Thân mến chào tất cả mọi người đã đến với trang Hepatitis B,
Trong làn sóng Covid 19 lần đầu, tôi đã chia sẻ cùng quý vị những kiến thức cần thiết trong quá trình theo dõi, điều trị bệnh viêm gan siêu vi B. Và bây giờ, khi chúng ta đang đối mặt với làn sóng Covid 19 lần 2, tôi xin chia sẽ tiếp với quí vị những điều đáng buồn về bệnh viêm gan siêu vi B đã xảy ra do làn sóng dịch bệnh lần trước và những điều cần làm để chiến đấu và chiến thắng HBV cho dù dịch bệnh Covid 19 sẽ vẫn còn tiếp diễn.
Điều đáng buồn thứ nhất: bùng phát viêm gan siêu vi B mạn do ngưng thuốc đặc trị!
Sau làn sóng Covid 19 lần 1, bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM đã tiếp nhận hàng loạt ca viêm gan siêu vi B mạn bùng phát, suy chức năng gan rất nặng do bỏ trị. Mỗi bệnh nhân một hoàn cảnh khác nhau và có rất nhiều lý do khiến họ ngưng trị nhưng tất cả đều xuất phát từ việc chưa nhận thức đúng tầm quan trọng của việc duy trì thuốc đặc trị viêm gan siêu vi B. Nhiều bệnh nhân đã điều trị ổn định, HBV dưới ngưỡng phát hiện suốt mấy năm, vì dịch bệnh, họ định ngưng tạm vài tháng thôi rồi lại uống tiếp. Nhưng tiếc thay, chỉ sau 1-2 tháng ngưng thuốc đặc trị là họ đã bị viêm gan siêu vi B mạn bùng phát với những biến chứng nặng nề, công sức điều trị ổn định mấy năm xem như mất hết, phải điều trị lại từ đầu với bao vất vả, tốn kém, và đôi khi không qua khỏi!
Điều đáng buồn thứ hai: xuất hiện nhiều quảng cáo thuốc khiến người ta nghĩ rằng dùng những loại thuốc ấy có thể chữa khỏi hoàn toàn bệnh viêm gan siêu vi B mạn mà không cần duy trì thuốc đặc trị ! Thật nguy hiểm khi những quan niệm sai lầm này cứ tiếp tục được phổ biến trên mạng xã hội và các phương tiện thông tin khác!
Như tôi đã có dịp trình bày trong hai bài trước đây, trong quá trình điều trị viêm gan siêu vi B mạn, mặc dù AST, ALT, DNA HBV cùng rất nhiều những xét nghiệm khác về chức năng gan đều đã trở về bình thường nhưng bệnh nhân vẫn phải tiếp tục duy trì thuốc đặc trị cho đến khi đạt tiêu chuẩn ngưng trị an toàn và được bác sĩ chuyên khoa xem xét quyết định ngưng thuốc. Cần lưu ý rằng AST, ALT, vẫn được gọi là “men gan”, rất dễ dàng trở về bình thường, ngay cả khi uống những thuốc chỉ có tác dụng hỗ trợ. Vì vậy, không thể dựa vào điều này để nói là khỏi bệnh viêm gan siêu vi B mạn hoàn toàn.
CẦN PHẢI LÀM GÌ ĐỂ KIỂM SOÁT VÀ CHIẾN THẮNG HBV?
1- Đối với những bệnh nhân viêm gan siêu vi B mạn đang sử dụng thuốc đặc trị như Tenofovir Alafenamide TAF 25mg hoặc Tenofovir Disoproxil Fumarate TDF 300mg hoặc Entecavir 0,5 mg:
– Phải sử dụng thuốc đều đặn, liên tục cho đến khi đạt tiêu chuẩn an toàn để ngưng thuốc, tốt nhất là cho đến khi HBsAg âm tính.
– Cần tuân thủ tái khám mỗi 3 đến 6 tháng để được theo dõi tình trạng gan, thận (creatinine máu, AST, ALT, GGT và nếu cần, có thể thêm Bilirubin máu, Albumin máu, TQ, công thức máu) theo dõi hiệu quả điều trị (DNA HBV, HBeAg, anti HBe, HBsAg, Fibroscan) và tầm soát biến chứng (AFP, siêu âm bụng)
– Nên báo cho bác sĩ đang điều trị viêm gan biết những thuốc đang sử dụng và những bệnh lý kèm theo (tiểu đường, cao huyết áp…) Nếu bệnh nhân trên 60 tuổi, có kèm bệnh lý thận (hoặc những bệnh có nguy cơ tổn thương thận), bệnh lý xương, bác sĩ sẽ lựa chọn thuốc phù hợp như Entecavir 0,5mg, Tenofovir Alafenamide 25mg. Đặc biệt, nếu đã bị suy thận nhưng chưa bị xơ gan mất bù hoặc không phải phụ nữ tuổi sinh nở thì bác sĩ có thể sử dụng Tenofovir Alafenamide 25mg để không cần chỉnh liều theo chức năng thận (khi GFR vẫn trên 15ml/phút)
– Nên tham gia Bảo Hiểm Y Tế để được hỗ trợ lãnh thuốc đặc trị và làm xét nghiệm cho đỡ tốn kém vì phải theo dõi điều trị rất lâu dài. Hiện nay, do tình hình dịch bệnh nên bệnh nhân viêm gan siêu vi B mạn điều trị ổn định có thể được lãnh thuốc 2 hoặc 3 tháng thay vì từng tháng như trước.
2- Đối với những bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm HBV mạn, chưa sử dụng thuốc đặc trị:
– Cần tuân thủ tái khám mỗi 3 đến 6 tháng để được làm xét nghiệm theo dõi diễn tiến bệnh, quyết định điều trị đặc hiệu kịp thời và tầm soát biến chứng.
– Nếu phát hiện người thân (có quan hệ huyết thống) bị biến chứng xơ gan hay ung thư gan cần báo cho bác sĩ biết để bản thân người nhiễm HBV mạn được điều trị tích cực sớm. Theo hướng dẫn của Hiệp Hội Gan mật Châu Âu, Mỹ và phác đồ của Bộ Y tế 2019, những bệnh nhân chỉ bị nhiễm HBV mạn, bản thân chưa có chỉ định điều trị (AST, ALT bình thường, DNA HBV dưới 2000 IU/ml, chức năng gan bình thường, không xơ hóa), nhưng nếu người này có người thân bị xơ gan, ung thư gan thì họ cần được điều trị đặc hiệu như trường hợp viêm gan siêu vi B mạn vì họ có nhiều nguy cơ bị biến chứng do yếu tố di truyền.
Mến chúc quí vị kiểm soát, chiến thắng được HBV và bình an qua mùa dịch bệnh Covid 19.
Ths. BS. Vũ Thị Thúy Hà
Giảng viên bộ môn Nhiễm, ĐH Y Khoa Phạm Ngọc Thạch
Bác sĩ điều trị bệnh viêm gan siêu vi, Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP Hồ Chí Minh