Viêm gan B mãn tính và viêm gan B cấp tính là hai giai đoạn phát triển của viêm gan B. Đây là bệnh lý nguy hiểm và dần trở nên phổ biến tại Việt Nam. Nếu không được điều trị kịp thời, viêm gan B mãn tính có thể biến chứng sang các bệnh lý nguy hiểm khác và dẫn đến tử vong.
Nhận biết sớm các dấu hiệu của bệnh để điều trị kịp thời là điều cần thiết giúp khống chế và chữa lành bệnh. Viêm gan B có điều trị dứt điểm được không cũng là vấn đề mà nhiều người quan tâm. Theo dõi bài viết dưới đây để hiểu rõ về bệnh viêm gan B mãn tính để kịp thời theo dõi và điều trị nhé!
Phân biệt viêm gan B cấp tính và viêm gan B mãn tính
Viêm gan B là một trong những bệnh lý nguy hiểm và đang có tỷ lệ người mắc bệnh rất cao tại Việt Nam. Viêm gan B gây ra bởi siêu vi viêm gan hoặc virus HBV. Bệnh có thể lây truyền qua đường máu, đường mẹ sang con và đường tình dục. Viêm gan B thường tiến triển âm thầm qua hai giai đoạn: viêm gan B cấp tính và viêm gan B mãn tính.
Viêm gan B cấp tính
Gọi là cấp tính khi virus viêm gan B ở trong cơ thể người bệnh không quá 6 tháng tính từ thời điểm xác nhận mắc bệnh. Đây là giai đoạn đầu trong quá trình hình thành bệnh và có thể điều trị dứt, không để lại biến chứng nếu được phát hiện và điều trị sớm. Thông thường người bệnh có thể trị khỏi sau 1-2 tháng. Nếu bỏ qua giai đoạn vàng, viêm gan B cấp tính sẽ phát triển thành viêm gan B mãn tính gây khó khăn trong điều trị.
Biểu hiện viêm gan B cấp tính không rõ ràng. Chỉ 40% người mắc bệnh gặp phải các dấu hiệu như:
- Mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn, hay cảm-sốt.
- Có cảm giác đau ở hạ sườn bên phải, đau mỏi các chi.
- Vàng da, vàng mắt,…
Viêm gan B mãn tính
Là giai đoạn chuyển hóa của viêm gan B cấp tính, khi virus tiềm ẩn trong cơ thể trên 6 tháng. Xét nghiệm chuyên sâu về men gan và HBV-DNA là phương pháp phát hiện bệnh chuẩn xác nhất. Kết quả của người mắc bệnh viêm gan B mãn tính sẽ có các chỉ số anti-HBc IgM (+) và anti-HBc IgG (-) hay kháng nguyên nội sinh HBeAg (+) thể hiện số lượng virus đang nhân lên.
Trẻ em và người lớn đều có thể nhiễm phải viêm gan B mãn tính:
- Có đến 80-90% trẻ em mắc phải viêm gan B cấp tính ở những năm đầu đời và diễn biến thành viêm gan B mạn nếu không được phát hiện và điều trị.
- 10% người trưởng thành sau khi mắc phải viêm gan B sẽ trở thành viêm gan B mãn tính.
- Hơn 20-30% bệnh nhân viêm gan B mạn phát triển thành xơ gan thậm chí ung thư gan.
Viêm gan B mãn tính thường có các triệu chứng như:
- Cơ thể uể oải, sốt nhẹ.
- Rối loạn tiêu hóa: táo bón, đầy hơi, chướng bụng, buồn nôn,…
- Vàng da, xuất huyết dưới da.
Biến chứng của bệnh viêm gan B mãn tính
Viêm gan B mãn tính nếu không thể khống chế sự phát sinh của virus sẽ dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng và nguy hiểm:
- Xơ gan: đây là biến chứng thường thấy khi mắc phải viêm gan B mạn. Các mô sẹo hình thành và dần thay thế tế bào gan khỏe mạnh gây suy chức năng gan, giảm hệ thống miễn dịch và làm phù nề chi dưới.
- Suy gan cấp: người bệnh cảm thấy buồn nôn, biếng ăn,… Nặng hơn là suy hô hấp và suy đa tạng dẫn đến tử vong.
- Ung thư gan: viêm gan B mãn tính là một trong những nguyên nhân chính gây nên ung thư gan. Nếu có các biểu hiện phù nề, sút cân nhanh không rõ nguyên nhân, lá lách to,…cần đến ngay các cơ sở y tế để thăm khám.
- Hội chứng não gan: đây là biến chứng ít gặp nhưng có tỷ lệ tử vong cao nhất đối với người bệnh. Khó chịu, bứt rứt, hay lo âu, không ngủ được, tinh thần dễ kích động là những biểu hiện ban đầu khi viêm gan B mãn tính biến chứng thành hội chứng não gan. Lâu dần người bệnh sẽ mất ý thức, không phân biệt đuợc không gian-thời gian và đi đến hôn mê sâu.
(Xem thêm: Tổng quan về bệnh não gan)
Bệnh viêm gan B mãn tính có điều trị dứt điểm được không?
Bệnh viêm gan B mãn tính có điều trị dứt điểm được hay không là vấn đề được rất nhiều người quan tâm. Hiện nay, căn bệnh này chưa thể trị dứt hoàn toàn. Nhưng với phác đồ điều trị ngày càng hoàn thiện, virus HBV bị khống chế và không phát sinh thêm bệnh lý nếu người bệnh tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ và có chế độ sinh hoạt cũng như ăn uống khoa học.
Thể trạng người bệnh cũng ảnh hưởng đến quá trình điều trị:
- Đối với người khỏe mạnh, không có bệnh lý nền và đang nhiễm viêm gan B mãn tính nhưng virus không hoạt động: việc điều trị sẽ dễ dàng hơn. Người bệnh thậm chí không cần dùng thuốc, chỉ cần tuân thủ chế độ ăn thích hợp, thăm khám định kỳ.
- Đối với người nhiễm viêm gan B mãn tính ở thể hoạt động: người bệnh tuyệt đối phải thực hiện phác đồ điều trị, sử dụng thuốc kháng sinh như Lamivudine, Tenofovir,… thuốc tiêm dưới da và các loại thuốc điều hòa miễn dịch. Người bệnh cũng cần kết hợp chế độ ăn và tập thể thao điều độ.
(Xem thêm: 3 nguyên tắc trong xây dựng chế độ ăn cho người viêm gan B)
Viêm gan B dù cấp tính hay mãn tính đều tiềm ẩn các bệnh lý nguy hiểm và có thể dẫn đến tử vong. Do đó, chúng ta cần theo dõi sức khỏe định kỳ, nhận biết sớm các dấu hiệu để điều trị kịp thời và đạt được hiệu quả cao hơn.
Nguồn: https://www.viemgan.com.vn/phan-biet-viem-gan-b-cap-tinh-va-viem-gan-b-man-tinh.html