Hội chứng ruột kích thích (IBS) là sự rối loạn tiêu hóa chức năng, đặc trưng bởi sự khó chịu hoặc đau bụng tái phát, thói quen đại tiện thay đổi; người bệnh cũng thường xuyên bị chướng bụng. Dựa vào hình dạng phân mà người ta chia Hội chứng ruột kích thích thành ba thể bao gồm: IBS-C (thể táo bón), IBS-D (thể tiêu chảy) và IBS-M (thể hỗn hợp).
Một cuộc khảo sát tại ba quốc gia theo tiêu chuẩn chẩn đoán IBS của ROME IV đã ước tính tỷ lệ chung và ở nữ lần lượt là 5,5% và 7,5% (Anh); 5,7% và 7,8% (Canada); 6,1% và 7,1%. (Hoa Kỳ). Sinh lý bệnh của IBS có bản chất là đa yếu tố, và nó được cho là gồm có sự đóng góp của các yếu tố sau: rối loạn hệ vi sinh vật đường ruột, thay đổi kích hoạt tế bào miễn dịch ở ruột và ruột kết, quá mẫn nội tạng và sự bất thường trong tương tác giữa đường ruột và não bộ.
Hội chứng loạn khuẩn ở ruột non (SIBO) phổ biến ở bệnh nhân IBS hơn ở người khỏe mạnh và việc loại bỏ SIBO bằng kháng sinh đã làm giảm các triệu chứng của IBS ở một số bệnh nhân IBS và SIBO.
Thuốc kháng sinh RIFAXIMIN là thuốc được chỉ định ở Hoa Kỳ và Canada để điều trị Hội chứng ruột kích thích thể tiêu chảy ở người lớn (IBS-D). Hiệu quả và độ an toàn của RIFAXIMIN đơn trị liệu, sử dụng trong 2 tuần đã được chứng minh trong các nghiên cứu ngẫu nhiên, có đối chứng với giả dược ở bệnh nhân người lớn mắc IBS. RIFAXIMIN được cho là phát huy tác dụng lâm sàng có lợi trong IBS-D bằng cách tác dụng lên hệ vi sinh đường ruột.
Tuy nhiên, các nghiên cứu hiện tại chỉ ra rằng RIFAXIMIN chỉ gây ra ít ảnh hưởng trên hệ vi khuẩn đường ruột của bệnh nhân IBS-D, cho thấy rằng hiệu quả của rifaximin có thể liên quan đến các cơ chế khác. Thật vậy, dữ liệu tiền lâm sàng cho thấy vai trò tiềm năng của RIFAXIMIN trong việc giảm sản xuất các cytokine viêm và giảm chuyển vị vi khuẩn từ ruột vào máu.
Sinh lý bệnh của IBS là đa yếu tố, có sự tác động lẫn nhau giữa một vài yếu tố. Ví dụ, hệ vi khuẩn đường ruột đóng một vai trò trong quá trình tăng độ nhạy cảm của ruột và kích hoạt miễn dịch. Hệ vi sinh đường ruột của những bệnh nhân mắc IBS bị thay đổi so với những người khỏe mạnh. Viêm dạ dày ruột cấp tính là một yếu tố căn nguyên liên quan đến sự phát triển của IBS (tức là PI-IBS), và nồng độ CDTB có thể tăng lên sau khi bị viêm dạ dày ruột cấp tính; sự gia tăng mức CDTB này có liên quan đến sự phát triển của SIBO trong thử nghiệm trên động vật. Liệu trình điều trị ngắn (2 tuần) của kháng sinh tác dụng tại chỗ RIFAMXIMIN có hiệu quả đáng kể trong việc cải thiện các triệu chứng của IBS-D ở người lớn và khả năng dung nạp tốt. Trong khi cơ chế hoạt động của RIFAMXIMIN chưa được làm sáng tỏ hoàn toàn, bằng chứng gián tiếp cho thấy thuốc có tác dụng có lợi trên SIBO, viêm niêm mạc và giúp ổn định hệ vi sinh. Dựa trên dữ liệu có sẵn có thể thấy rõ cơ chế hoạt động của RIFAMXIMIN vượt ra ngoài vai trò như một kháng sinh đường ruột.
Nguồn tham khảo: Chey WD, Shah ED, DuPont HL. Mechanism of action and therapeutic benefit of rifaximin in patients with irritable bowel syndrome: a narrative review, Therapeutic Advances in Gastroenterology, January 2020