Nhiễm Helicobacter Pylori: Chẩn Đoán

Mở đầu

Nhiễm khuẩn Helicobacter pylori là một trong những bệnh nhiễm khuẩn mãn tính phổ biến nhất ở người, ảnh hưởng đến khoảng 4,4 tỷ người trên toàn thế giới, với tỷ lệ lưu hành từ 28 đến 84% ở các quần thể khác nhau. Nhiễm Helicobacter pylori dẫn đến khoảng 70% tình trạng viêm dạ dày mạn tính không triệu chứng, 15- 20% loét dạ dày tá tràng và 1% ung thư dạ dày. Năm 2009, cơ quan nghiên cứu về Ung Thư Quốc Tế đã xếp Helicobacter pylori vào tác nhân gây ung thư nhóm 1. Ung thư dạ dày là một bệnh lý ác tính phổ biến đứng hàng thứ năm trên thế giới và tỷ lệ mắc bệnh đứng hàng thứ 3 trong các nhóm bệnh ung thư và chiếm 9% tổng số tử vong do ung thư trên toàn thế giới và 2/3 số ca tử vong do ung thư trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Tổ chức Y tế thế giới xác định điều trị tiệt trừ Helicobacter pylori là một trong các biện pháp chủ yếu giúp ngăn ngừa ung thư dạ dày. Điều trị tiệt trừ Helicobacter pylori giúp giải quyết triệt để nhiều trường hợp viêm loét dạ dày tá tràng và giúp phòng ngừa tiên phát nguy cơ ung thư dạ dày.

Vi khuẩn Helicobacter pylori

Helicobacter pylori (H.pylori) là xoắn khuẩn gram âm vi ái khí. Dưới kính hiển vi điện tử, vi khuẩn có kích thước dài 2-4 µm, đường kính 0,5-1 µm, với 2-6 tiêm mao ở một đầu. Hình dạng xoắn và các tiêm mao giúp cho vi khuẩn di chuyển trong lớp nhầy. Vi khuẩn sống ở lớp nhầy trên bề mặt niêm mạc dạ dày, một số ít bám trên bề mặt niêm mạc. Vi khuẩn có 2 dạng tồn tại: dạng xoắn khuẩn là dạng hoạt động có khả năng gây bệnh và tiết ra men urease, dạng cầu khuẩn là dạng tồn tại khi ở trong điều kiện không thuận lợi và không tiết men urease. Một trong những đặc tính sinh hóa quan trọng của H.pylori là vi khuẩn sản xuất rất nhiều men urease. Đây là một trong những cơ chế quan trọng giúp vi khuẩn có thể cư trú được trong dạ dày nhờ thủy phân urê thành NH3, để tạo môi trường đệm

nhiem helicobacter pylori chan doan 1

Hình 1: Hình ảnh vi khuẩn H.pylori

Nhiễm H.pylori là vấn đề sức khỏe cộng đồng lớn trên toàn thế giới. Tính đến năm 2015, ước tính có khoảng 4,4 tỷ người trên toàn thế giới nhiễm H.pylori. Tỷ lệ nhiễm H.pylori thay đổi khác nhau giữa các khu vực và quốc gia, Châu Phi có tỷ lệ nhiễm cao nhất (79,1%), Châu Mỹ Latinh và vùng Caribe (63,4%), Châu Á (54,7%). Ở Bắc Mỹ, tỷ lệ nhiễm H.pylori thấp hơn, khoảng 37,1%, Châu Úc khoảng 24,4% (1).

Tỷ lệ nhiễm ở các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan được ghi nhận lần lượt 55,8 (95% CI: 51,8 – 59,9), 51,7% (95% CI 44,7- 58.7), 54,0% (95% CI: 50,1-

57,8), 53,9% (95% CI: 36,6- 71,2).

Các nước trong khu vực Đông Nam Á có tỷ lệ nhiễm khá cao, cụ thể Malaysia 28,6% (95% CI: 19,0 – 38,2), Singapore 40,8 % (95% CI: 37,7- 43,9), Thailand 43,6 (95%

CI: 36,3- 50,8) và Việt Nam là 70,3% (95% CI: 63,3- 77,4)

nhiem helicobacter pylori chan doan 2

Hình 2: Tỷ lệ nhiễm H.pylori trên toàn cầu

Nguồn: James K. Y. Hooi, Gastroenterology, 2017 (1)

Đường lây truyền

Mặc dù, nhiễm H.pylori lưu hành ở khắp nơi trên thế giới nhưng một số đường lây vẫn chưa được xác định rõ ràng. Ngoài dịch dạ dày, H.pylori còn được tìm thấy trong nước bọt, mảng vôi răng, phân, thức ăn và nước uống nhiễm bẩn; ngoài ra cũng thấy có sự hiện diện tại dịch dạ dày mèo, trong sữa và dịch dạ dày cừu, trong cơ thể khỉ. Tuy nhiên cho đến nay, con người vẫn là ký chủ chính của H.pylori. Một số đường lây truyền từ người sang người thường gặp (2):

Đường phân – miệng: pylori có thể đã được thải ra ngoài cơ thể qua đường phân khi niêm mạc dạ dày bị bong tróc.

Đường miệng – miệng: pylori được tìm thấy trong mảng vôi răng và nước bọt và có khả năng lây lan nếu nguồn nhiễm này đi vào cơ thể.

Đường dạ dày- miệng: những BN viêm loét dạ dày tá tràng thường được chỉ định nội soi đường tiêu hóa để xác định tổn thương cũng như sự hiện diện của pylori. Nếu vật dụng, dụng cụ nội soi không được khử khuẩn tốt thì vẫn có thể là nguồn lây

Chẩn đoán nhiễm Helicobacter pylori

Dựa trên cơ sở có cần nội soi dạ dày hay không, các xét nghiệm chẩn đoán nhiễm pylori được chia thành hai nhóm chính gồm các phương pháp xâm lấn và các phương pháp không xâm lấn (3)

 

Các phương pháp xâm lấn Các phương pháp không xâm lấn
–        Xét nghiệm Urease nhanh: nhằm phát hiện men urease của H.pylori

–        Nuôi cấy

–        Chẩn đoán mô bệnh học

–        Kỹ thuật PCR (Polymerase Chain Reaction )

–        Xét nghiệm hơi thở C13 hay C14

–        Huyết thanh chẩn đoán tìm kháng thể kháng H.pylori trong huyết thanh

–        Xét nghiệm tìm kháng nguyên trong phân

Các phương pháp xâm lấn

Xét nghiệm Urease nhanh: nhằm phát hiện men urease của H.pylori

Xét nghiệm dương tính khi có sự hiện diện của men urease làm giải phòng NH3 làm tăng pH biểu hiện bằng việc làm đổi màu chất chỉ thị từ vàng sang đỏ tía.

Urease nhanh là một xét nghiệm nhanh chóng, đơn giản, chi phí thấp và hữu hiệu để chẩn đoán nhiễm H.pylori. Độ nhay và độ đặc hiệu >95%. Để làm xét nghiệm, bệnh nhân cần phải ngưng tất cả các sản phẩm có chứa kháng sinh hay bismuth ít nhất 1 tháng, thuốc ức chế bơm proton (PPI) ít nhất 2 tuần. Độ nhạy của xét nghiệm giảm khi bệnh nhân đang bị xuất huyết tiêu hóa hay xuất huyết tiêu hóa trên gần đây. Độ nhạy của xét nghiệm Urease tăng từ 52% lên 96% nếu tăng số mẫu sinh thiết từ 1 mẫu lên 4 mẫu.

Nuôi cấy

Nuôi cấy là xét nghiệm đặc hiệu nhất, là tiêu chuẩn vàng của chẩn đoán nhiễm H.pylori. Thường trong thất bại điều trị 2-3 lần, nuôi cấy làm kháng sinh đồ là xét nghiệm có ích và gần như duy nhất để đánh giá tình trạng kháng thuốc. Xét nghiệm có độ đặc hiệu cao, tuy nhiên độ nhạy thấp do H.pylori khó nuôi cấy.

Chẩn đoán mô bệnh học

Mô bệnh học là xét nghiệm được sử dụng để chẩn đoán nhiễm H.pylori với các phương pháp nhuộm HE, Giems, Warth- Starry… Để tăng độ nhạy có thể dùng phương pháp hóa mô miễn dịch với kháng thể kháng H.pylori. Độ nhạy và đặc hiệu của thử nghiệm này là 95%-98%. Xét nghiệm này còn cho phép đánh giá các tổn thương kèm theo của niêm mạc dạ dày như viêm teo niêm mạc dạ dày, chuyển sản ruột, loạn sản và u lympho MALT.

Kỹ thuật PCR (Polymerase Chain Reaction )

PCR là một kỹ thuật chẩn đoán có trong phòng thí nghiệm tiên tiến nhưng chưa thông dụng trong chẩn đoán nhiễm H.pylori. Độ nhạy của phương pháp này >90%.

Các phương pháp không xâm lấn

Xét nghiệm hơi thở C13 hay C14

Test hơi thở là một xét nghiệm không xâm lấn dùng để chẩn đoán H.pylori. Trong phương pháp này, BN cho uống một viên nang chứa 1 µg urê có công thức hóa học CO(NH2)2 mà trong đó có nguyên tử carbon là carbon đánh dấu C14 hay C1. Nếu có sự hiện diện của H.pylori trong dạ dày thì enzyme urease do vi khuẩn tiết ra sẽ phân giải urê thành NH2 và khí carbonic (CO¬2), cacbon trong CO¬2 này là C14 hay C13. Khí CO¬2 được hấp thu vào máu và thoát ra ngoài qua hơi thở, hơi thở được thu thập bằng túi bóng. Mẫu hơi thở có chứa C14 hay C13 trong túi bóng được phân tích bởi máy đếm độ phân giải của phóng xạ C14 để xác định kết quả xét nghiệm.

Độ chính xác của test hơi thở rất cao: độ nhay 96-98%, độ đặc hiệu 100%, giá trị tiên đoán âm 99% và giá trị tiên đoán dương là 100%.

Để làm test hơi thở, BN cũng cần phải ngưng tất cả sản phẩm có chứa kháng sinh hay bismuth ít nhất 1 tháng, PPI ít nhất 2 tuần trước khi tiến hành xét nghiệm .

Huyết thanh chẩn đoán tìm kháng thể kháng H.pylori trong huyết thanh

Huyết thanh chẩn đoán là thử nghiệm bằng phương pháp ELISA, là thử nghiệm được sử dụng để phát hiện kháng thể IgG kháng H.pylori. Xét nghiệm có độ nhạy >90%. Nhưng xét nghiệm huyết thanh không dùng để xác nhận tiệt trừ H.pylori sau khi điều trị vì kháng thể vẫn tồn tại 1-2 năm.

Xét nghiệm tìm kháng nguyên trong phân

Xác định kháng nguyên tron phân là một thử nghiệm ELISA nhằm phát hiện kháng nguyên của H.pylori trong phân. Độ nhạy 95% và độ đặc hiệu 94% kể cả sau khi đã tiệt trừ H.pylori. BN cần phải ngưng tất cả các sản phẩm có chứa kháng sinh hay bismuth ít nhất 1 tháng và PPI ít nhất 2 tuần trước khi làm xét nghiệm.

Xác nhận tiệt trừ nên được thực hiện ở tất cả các bệnh nhân điều trị H.pylori. Các xét nghiệm có thể chọn lựa để xác nhận tiệt trừ bao gồm xét nghiệm hơi thở, xét nghiệm kháng nguyên trong phân hoặc xét nghiệm urease nhanh. Các xét nghiệm để xác nhận tiệt trừ nên được thực hiện ít nhất 4 tuần sau khi hoàn thành điều trị bằng kháng sinh.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Hooi JKY, Lai WY, Ng WK, Suen MMY, Underwood FE, Tanyingoh D, et al. Global Prevalence of Helicobacter pylori Infection: Systematic Review and Meta- Gastroenterology. 2017;153(2):420-9.
  2. Trần Thị Khánh Tường chủ biên. Điều trị bệnh nội khoa: Nhà xuất bản y học; 543-53 p.
  3. Peter Katelaris, Richard Hunt, al e. Helicobacter Pylori. World Gastroenterology Organisation Global Guidelines
  4. Malfertheiner P, Megraud F, O’Morain CA, Gisbert JP, Kuipers EJ, Axon AT, et Management of Helicobacter pylori infection-the Maastricht V/Florence Consensus Report. Gut. 2017;66(1):6-30.
  5. Chey WD, Leontiadis GI, Howden CW, Moss ACG Clinical Guideline: Treatment of Helicobacter pylori Infection. The American journal of gastroenterology. 2017;112(2):212-39.
  6. Saleem N, Howden Update on the Management of Helicobacter pylori Infection. Curr Treat Options Gastroenterol. 2020;18(3):476-87.
  7. Shah SC, Iyer PG, Moss SF. AGA Clinical Practice Update on the Management of Refractory Helicobacter pylori Infection: Expert Gastroenterology. 2021;160(5):1831-41.

 Ths.BS.CK1. Nguyễn Hồng Thanh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *