Phụ nữ có thai và viêm gan siêu vi B – những điều cần lưu ý

✤ Người nhiễm VGB tại Việt Nam chủ yếu do lây truyền từ mẹ sang con. Bất kỳ ai chưa có miễn dịch bảo vệ đều có thể mắc viêm gan B và truyền sang con. Quá trình lây nhiễm này không xảy ra trong giai đoạn mẹ mang thai mà sẽ lây trong cuộc đẻ (dù là bạn đẻ thường hay đẻ mổ). Một điều quan trọng nữa là nếu như ở người trưởng thành, khả năng chuyển sang mạn tính chỉ 10-20% thì tỷ lệ này thay đổi khá lớn ở trẻ em, trong giai đoạn chu sinh tỷ lệ tiến triển sang mạn tính có thể lên tới 90% và khả năng tiến triển ung thư gan (thậm chí chưa qua giai đoạn xơ gan) ở lứa tuổi này khá cao. Do đó việc dự phòng lây nhiễm cho mẹ có 𝐇𝐛𝐬𝐀𝐠(+) trong giai đoạn mang thai hết sức quan trọng và cần nhấn mạnh là đây là việc làm được, nếu tuân thủ điều trị và hướng dẫn của bác sĩ thì việc dự phòng lây nhiễm từ mẹ sang con là việc hoàn toàn có thể kiểm soát được.

✤ Trong bài này tôi sẽ chia ra 2 nhóm đối tượng để dễ phân tích và tư vấn (dựa theo những khúc mắc của bệnh nhân đến với tôi trong quá trình điều trị)

1. Nhóm phụ nữ có thai không phát hiện/chưa phát hiện 𝐇𝐛𝐬𝐀𝐠(+) trước đây:
=> Đối với phụ nữ có thai, ngoài kiểm tra thai sản định kỳ cần sàng lọc viêm gan B, viêm gan C trước 3 tháng cuối của thai kỳ qua các xét nghiệm: HbsAg, anti HBV…
+ Nếu phát hiện 𝐇𝐛𝐬𝐀𝐠(+) cần được tư vấn dự phòng lây nhiễm từ mẹ sang con (trình bày ở dưới)
=> Đối với trường hợp có chồng bị viêm gan B, nếu có quan hệ tình dục trong quá trình mang thai, cần sử dụng bao cao su để tránh lây nhiễm cho vợ trong giai đoạn mang thai, tốt nhất là người vợ nên được tư vấn tiêm phòng viêm gan B ngay sau khi sinh em bé.

2. Nhóm phụ nữ có thai đã phát hiện có 𝐇𝐛𝐬𝐀𝐠(+):

– Tiêm Vaccine viêm gan B và kháng huyết thanh viêm gan siêu vi B trong vòng 24h đầu sau sinh. Nên tiêm cùng thời điểm nhưng khác vị trí. Sau đó tiêm đầy đủ các liều vaccine VGVR B cho trẻ theo quy định của chương trình Tiêm chủng mở rộng.
Xét nghiệm HbsAg và anti HBs cho trẻ >12 tháng tuổi để đánh giá tình trạng nhiễm HBV.
– Đối với phụ nữ đang điều trị viêm gan B muốn có thai, nếu đang điều trị bằng thuốc không phải TDF thì chuyển sang TDF trước khi dự kiến có thai ít nhất 2 tháng.
– Đối với phụ nữ mới phát hiện có thai trong khi đang điều trị kháng virus, tiếp tục duy trì TDF, nếu đang điều trị thuốc không phải TDF thì chuyển sang TDF.
– Đối với phụ nữ có thai chưa điều trị kháng virus: Tuần 24 kiểm tra HBVDNA > 200.000 IU/mL (>10^6cps/ml) hoặc HbsAg định lượng > 10^4IU/mL, tư vấn điều trị dự phòng lây truyền HBV từ mẹ sang con.

– Thuốc sử dụng: TDF 300mg/ngày, từ tuần 24-28 của thai kỳ, nếu muộn hơn thì nên bắt đầu ít nhất 4 tuần trước sinh và liên tục 4-12 tuần sau sinh.
Không có chống chỉ định nuôi con bằng sữa mẹ ở những người mẹ có HbsAg(+) và mẹ đang sử dụng TDF trong thời kỳ cho con bú.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *