Thông tin cho những người mang siêu vi gây viêm gan B trong dịch Covid-19
Trong dịch Covid-19, để tránh lây lan, các tiếp xúc trực tiếp giữa bệnh nhân và bác sĩ khi không thật sự cấp thiết đã phải hạn chế. Những bệnh nhân đang mang siêu vi gây viêm gan B (gọi tắt là HBV từ tên Hepatitis B Virus) đều cảm thấy e ngại và khó khăn khi cần gặp bác sĩ chuyên khoa. Vì vậy, hy vọng bài viết này sẽ phần nào giải đáp những băn khoăn lo lắng của quí vị, mong quí vị có kiến thức, thái độ và hành vi đúng để bảo vệ sức khỏe, chiến thắng HBV.
Có 2 nhóm người mang HBV: nhóm người mang trong thời gian giới hạn (thường trong vòng 6 tháng), được bác sĩ chẩn đoán là viêm gan siêu vi B cấp và nhóm người mang kéo dài nhiều năm được bác sĩ chẩn đoán là nhiễm HBV mạn hoặc viêm gan siêu vi B mạn.
1. Viêm gan siêu vi B cấp
Đây là trường hợp bị lây nhiễm HBV ở trẻ lớn hay người lớn, do tiếp xúc với máu, dịch tiết hoặc quan hệ tình dục không an toàn với người mang HBV. Lúc này, hệ miễn dịch của cơ thể đã trưởng thành nên trong hơn 90% trường hợp, người bệnh sẽ thải trừ HBV ra khỏi cơ thể trong vòng 6 tháng và tạo kháng thể bảo vệ. Một số người bị vàng da, vàng mắt, rất mệt phải nhập viện điều trị, còn nhiều người lại không có triệu chứng gì nên không hề biết mình bệnh. Tình cờ, những người này đi làm xét nghiệm kiểm tra để chích ngừa viêm gan siêu vi B thì bác sĩ báo là đã có kháng thể rồi, không cần chích ngừa nữa, có nghĩa là họ đã từng bênh viêm gan siêu vi B và hiện đã hết bệnh, tự tạo được kháng thể bảo vệ.
Lưu ý: Những người có triệu chứng bệnh cần phải tuân thủ uống thuốc và tái khám để được làm xét nghiệm theo dõi diễn tiến bệnh cho đến khi hồi phục, vì bệnh có nguy cơ diễn tiến xấu trong một số trường hợp.
2. Viêm gan siêu vi B mạn
Ở Việt Nam, hầu hết các trường hợp là bị lây nhiễm HBV khi còn rất nhỏ, thường là do mẹ lây ngay từ lúc sinh. Lúc này hệ miễn dịch chưa trưởng thành nên không thải trừ HBV được mà mang kéo dài, có thể suốt đời. Vì HBV đã lưu hành từ rất lâu nên hiện giờ có rất nhiều người mang HBV mạn ở nhiều lứa tuổi, từ trẻ nhỏ đến người già. Khi phát hiện 1 trường hợp mang HBV mạn thì nên kiểm tra hết những người thân trong nhà, đặc biệt là cha mẹ, anh chị em ruột, khả năng sẽ có nhiều người cùng mang HBV mạn tính.
Tình trạng mang HBV mạn có 2 dạng: nhiễm HBV mạn và viêm gan siêu vi B mạn:
– Nhiễm HBV mạn: trong trường hợp này, gan chưa bị tổn thương hoặc tổn thương không đáng kể, tất cả xét nghiệm về viêm gan, chức năng gan, siêu âm gan đều bình thường. Một số trường hợp ở trẻ em và người trẻ dưới 30 tuổi tải lượng HBV rất cao nhưng vẫn không gây tổn thương gan. Tất cả trường hợp này đều chưa cần phải uống thuốc điều trị ngay nhưng vẫn phải tái khám định kỳ mỗi 3-6 tháng để bác sĩ theo dõi, chỉ định điều trị khi cần và tầm soát biến chứng ung thư gan. Nếu đang mùa dịch bệnh thì có thể tái khám trễ. Thai phụ bị nhiễm HBV cần gặp ngay bác sĩ chuyên khoa để xem xét thực hiện biện pháp phòng ngừa, tránh lây cho bé lúc sinh.
– Viêm gan siêu vi B mạn: trong trường hợp này, gan đã bị tổn thương cần phải điều trị tích cực để hạn chế biến chứng xơ gan, ung thư gan. Phải uống thuốc đặc trị HBV đầy đủ, liên tục, kéo dài nhiều năm cho đến khi đủ tiêu chuẩn ngưng thuốc. Việc ngưng thuốc phải do bác sĩ chuyên khoa có kinh nghiệm cân nhắc quyết định.
Hiện nay, theo hướng dẫn điều trị viêm gan siêu vi B của Bộ Y Tế 2019, thuốc đặc trị HBV hiệu quả gồm có Tenofovir alafenamide (TAF) 25mg, Tenofovir disoproxil fumarate (TDF) 300mg và Entecavir (ETV) 0.5 mg. Bệnh nhân cần tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ, không tự ý dùng thuốc và cần chuẩn bị kinh phí điều trị dài hạn. Hiện nay, bảo hiểm y tế đã hỗ trợ rất nhiều cho bệnh nhân viêm gan siêu vi B nên những người thu nhập thấp vẫn có khả năng tiếp cận theo dõi điều trị.
Lưu ý:
Trong quá trình uống thuốc đặc trị, xét nghiệm định lượng HBV dưới ngưỡng phát hiện và men gan (AST, ALT) bình thường chỉ là bằng chứng của việc thuốc uống có hiệu quả, chứ không phải là tiêu chuẩn ngưng trị, cần phải tiếp tục uống duy trì. Thực tế đã có nhiều bệnh nhân uống thuốc đạt hiệu quả HBV dưới ngưỡng, ổn định bình thường hơn 3 năm (có trường hợp đã ổn định đến 6 năm!) nhưng chưa đủ tiêu chuẩn ngưng thuốc mà đã ngưng trị, hậu quả là chỉ trong vòng vài tháng, họ bị viêm gan siêu vi B mạn bùng phát, suy gan nặng và có trường hợp đã tử vong!
Để tránh bị viêm gan hay suy thận do thuốc, không được tự ý uống thêm thuốc không có chỉ định và bằng chứng rõ ràng (thảo dược, thuốc gia truyền, thuốc được quảng cáo là tốt cho gan, thận…) và tuân thủ tái khám theo hẹn để được kiểm tra chức năng gan, thận định kỳ đồng thời tầm soát biến chứng ung thư gan.
Mến chúc mọi người luôn vui, khỏe, bình an.
Bác sĩ Vũ Thị Thúy Hà
Giảng viên bộ môn Nhiễm, ĐH Y Khoa Phạm Ngọc Thạch
Bác sĩ điều trị bệnh viêm gan siêu vi, Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP Hồ Chí Minh