Viêm gan B “cấp tính” và “mạn tính” khác nhau ở điểm gì?

Viêm gan B là bệnh gây ra bởi virus viêm gan B (Hepatitis B). Tùy thuộc vào sự tương tác giữa virus và cơ thể vật chủ dẫn đến biểu hiện lâm sàng của người mang virus viêm gan B rất khác nhau: có thể tự khỏi, hoặc tiến triển mạn tính âm thầm gây viêm gan mạn, xơ gan thậm chí ung thư gan.

1, Viêm gan B cấp tính

Viêm gan B cấp tính là giai đoạn đầu của bệnh viêm gan virus B, thường diễn ra  trong 6 tháng đầu tiên sau khi cơ thể phơi nhiễm với virus viêm gan B. Nhiễm trùng cấp tính có thể diễn ra nhiều mức độ nhẹ thậm chí không có triệu chứng đến một tình trạng nghiêm trọng cần nhập viện.

Trong giai đoạn này cơ thể có thể loại bỏ virus mà không cần điều trị thuốc kháng virus (cân nhắc điều trị thuốc trên các trường hợp suy gan nặng ảnh hưởng đe dọa tính mạng). Những người đã loại bỏ được virus có thể tự sinh kháng thể và không tái nhiễm virus viêm gan B.

2, Viêm gan B mạn tính

Khi chuyển sang giai đoạn mạn tính (thông thường được tính khi thời gian nhiễm bệnh trên 6 tháng) thì gần như cơ thể không tự thanh thải được virus nữa, người bệnh sẽ mang virus suốt đời. Theo thời gian, người mang virus viêm gan B mạn tính có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, bao gồm tổn thương viêm gan mạn tính và thậm chí tử vong do các biến chứng của xơ gan, ung thư gan

3, Khả năng viêm gan B cấp tính sẽ trở thành mạn tính là gì?

Tiến triển viêm gan B sẽ phát triển từ nhiễm trùng cấp tính sang nhiễm trùng mạn tính khác nhau tùy thuộc vào độ tuổi của người nhiễm virus.

  • Một người càng nhỏ tuổi khi bị nhiễm virus viêm gan B, khả năng bị nhiễm trùng mạn tính càng cao.
  • Khoảng 90% trẻ sơ sinh bị nhiễm bệnh sẽ bị nhiễm trùng mạn tính. Nguy cơ giảm xuống khi trẻ lớn hơn.
  • Khoảng 25% – 50% trẻ em trong độ tuổi từ 1 đến 5 tuổi sẽ bị viêm gan mạn tính B.
  • Ngược lại, khoảng 95% người lớn hồi phục hoàn toàn và không chuyển sang giai đoạn nhiễm trùng mạn tính.

4, Ai nên xét nghiệm viêm gan B?

Những người sinh ra ở các quốc gia có tỷ lệ nhiễm HBV từ 2% trở lên

Đàn ông có quan hệ tình dục với đàn ông

Người tiêm chích ma túy

Người nhiễm HIV

Tiếp xúc gia đình và tình dục của người bị viêm gan B

Những người đang điều trị ức chế miễn dịch

Những người có  bệnh thận giai đoạn cuối (bao gồm cả bệnh nhân chạy thận nhân tạo)

Người nhiễm virus viêm gan C

Những người có mức ALT tăng cao

Phụ nữ mang thai

Trẻ sơ sinh có mẹ nhiễm HBV.

 

Nguồn tham khảo: CDC Hoa Kỳ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *